Tác động Mùa xuân nhớ Bác

Báo Tiền Phong

Số báo vừa phát hành, tòa soạn có chuông điện thoại réo liên hồi, thư người đọc liên tục gửi về, nhiều người trực tiếp đến tòa soạn hỏi về tác giả bài thơ. Trước nhu cầu tìm hiểu về tác giả, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Đức Thọ tôn trọng quyền biên tập của báo Tiền Phong. Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam hai lần phái người xuống yêu cầu Tiền Phong cung cấp năm câu thơ đã cắt bỏ, nhưng Lê Văn Ba từ chối cung cấp.[15] Tổng Biên tập Đinh Văn Nam phải viết bản kiểm điểm vào ngày 28 tháng 3.[14] Ngày 30 tháng 3 cùng năm, sau khi có những ý kiến trái chiều, Lê Đức Thọ và thư ký Lưu Văn Lợi đã dành một buổi sáng để trao đổi với Tổng Biên tập Đinh Văn Nam và nhà báo Lê Văn Ba, Lê Văn Thọ kết luận "để thêm một thời gian nữa, nếu có gì không tốt thì rút kinh nghiệm. Bài thơ tốt thì tờ báo có công!".[15] Người đọc gửi 12.000 thư đến tòa soạn chỉ trong tám ngày, báo Tiền Phong thành lập "Ban Những việc cần làm ngay" để tìm hiểu các sự việc tiêu cực theo phản ánh trong các thư.[29] Để dung hòa bớt căng thẳng, ban biên tập báo Tiền Phong đã phải đi xin lỗi để phản ứng của một số Bí thư Tỉnh ủy dịu xuống.[30] Việt Nam thời điểm khi đó chưa bước vào Đổi Mới, tư tưởng chống tiêu cực trực diện của báo đã gây sốc và gây tranh luận dữ dội trong thời gian dài. Báo Tiền Phong bị gây khó khăn, nhưng vẫn tiếp tục xuất bản các bài viết chống tiêu cực như "Lảng tránh hay kiên quyết đấu tranh", "Tệ cửa quyền và thái độ của tuổi trẻ", "Một vụ kỷ luật vi phạm đạo lý, pháp luật".[13] Báo Tiền Phong đã tạo chuyên mục "Nếu tôi là lãnh đạo" vào thời điểm đó, nhằm thúc đẩy dân chủ hóa xã hội và đóng góp ý kiến người dân đến nhà nước.[10] Cựu Tổng Biên tập báo Tiền Phong Dương Xuân Nam cho biết tấm ảnh chụp chung của bản thân, Phạm Thị Xuân Khải, Lê Văn Ba, Đinh Văn Nam vào năm 1990 có tên là "những người sống sót bởi dám sống".[30] Sau 20 năm, trước thềm Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam X, báo Tiền Phong đã đăng tải một loạt phóng sự dài sáu kỳ về bài thơ “Mùa xuân nhớ Bác”.[31][32]

Gia đình nhà thơ

Nữ sinh Phạm Thị Xuân Khải tốt nghiệp vào năm 1989 và tiếp tục sống "du mục" [ở nhờ nhà bạn bè, nay nhà người này, mai người khác] tại Hà Nội gần mười năm, sau đó nhập hộ khẩu về Bình Định vào năm 1998.[4] Phạm Thị Xuân Khải từ vị thế được cử đi học–vai trò cán bộ nguồn nhưng sau đó không còn lại gì, lúc này Đổi Mới thành công và các chính khách địa phương bảo thủ thời đó đã nghỉ hưu.[4][30] Chồng Xuân Khải công tác trong ngành thủy lợi ở tỉnh Bình Định và hiện tại vợ chồng chăm sóc ba con, Phạm Chấn Hưng—bố Phạm Thị Xuân Khải—sức khỏe xuống dốc sau khi vợ mất. Nguyễn Phạm Thiên Thu—con gái thứ hai của Phạm Thị Xuân Khải—học tại Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong, Thành phố Hồ Chí Minh, sau đó tốt nghiệp thạc sĩ kinh tế tại Đức. Nguyễn Phạm Kiên Trung—con trai cả của Phạm Thị Xuân Khải—tốt nghiệp đại học và công tác tại Đoàn Luật sư tỉnh Bình Định. Nguyễn Phạm Việt Nga—con gái út—học Đại học Tổng hợp Hữu nghị các Dân tộc Nga (Российский университет дружбы народов) tại Nga.[4] Năm 2005, Phạm Thị Xuân Khải kể lại câu chuyện liên quan đến bài thơ "Mùa xuân nhớ Bác" cho các con, tác giả bộc bạch "thời điểm ấy không phải ai cũng dám làm, cấp lãnh đạo không phải ai cũng sẵn sàng đồng tình ủng hộ cho việc "nói thẳng, nói thật” như bây giờ".[30] Tác giả sau này bộc bạch "Tuy sinh ra ở miền Nam nhưng những ngày tháng bao cấp tôi cũng có điều kiện sống tại Hà Nội. Cuộc sống khổ cực ấy là giai đoạn mà chúng ta phải chấp nhận. Khi đổi mới dần đến, ai cũng nhận ra rằng tuy đó là sự dại dột nhưng nó cũng giúp ta có những bài học sâu sắc, giúp con người có nghị lực và ý chí vươn lên."[33]

Ngày 18 tháng 3 năm 2006, báo Tiền Phong (phó Tổng Biên tập Lê Xuân Sơn, phó Trưởng ban Cuối tuần Hữu Việt, phóng viên ảnh Hồng Vĩnh) tổ chức gặp mặt giữa Phạm Thị Xuân Khải và Võ Nguyên Giáp tại tư gia số 30 đường Hoàng Diệu ở Hà Nội. Con trai Nguyễn Phạm Kiên Trung năm 2002 ra ứng cử Đại biểu Quốc hội Việt Nam bị một số chính khách nói "đừng có bỏ phiếu cho cái cậu này - con của phản động đấy!" và bị thất cử.[6] Võ Nguyên Giáp tiếp lời "có những lúc thiệt thòi, thậm chí bị đối xử bất công, chèn ép nhưng các cháu nếu có rơi vào hoàn cảnh đó hãy vững tâm, bền chí, hãy là chính mình bởi ở đời không biết thế nào là được, thế nào là mất cả".[6][7] Năm 2007, tác giả và nhà xuất bản Thông tấn hợp tác phát hành sách "Mùa xuân nhớ Bác - Tự sự của tác giả" kể về bối cảnh ra đời bài thơ, tâm tư của một thế hệ thanh niên trong giai đoạn thập niên 1980.[31]

Gia đình tại Hà Tuyên

Tâm đắc khi đọc bài thơ "Mùa xuân nhớ Bác" trên báo Tiền Phong ngày 25 tháng 3 năm 1986, một người đàn ông tại tỉnh Tuyên Quang (Hà Tuyên trước đây) sáng tác bài thơ "Gửi em" miêu tả chuyện tiêu cực tại cơ quan.[34] Bài thơ "Gửi em" ban đầu ở dạng văn vần, sau được một số người bạn hiệu đính thêm, người dân tại tỉnh Hà Tuyên thuộc lòng bài thơ. Một thời gian ngắn sau đó, an ninh đến điều tra tại cơ quan tác giả, Phó phòng Tiền tệ và lưu thông ngân hàng Lê Minh Hùng khi đó hứng khởi đọc bốn câu thơ cuối.[35] Chiều ngày 29 tháng 4, công an bắt ông tại nhà với cáo buộc "làm thơ chống phá chế độ", người vợ khi đó động viên "Anh vào đó cứ nói sự thật. Mình không có tội thì không việc gì phải sợ cả."[34] Ông sáng tác bài thơ "Cảm xúc trong tù" trong khoảng 49 ngày tại trại giam, rồi quyết định không động chạm tới thơ sau khi được thả.[34][36] Khu tập thể khi đó bất bình, nhiều người cho rằng bài thơ "Gửi em" phản ánh hiện thực giống với "Mùa xuân nhớ Bác" và không phải "chống phá". Tỉnh Hà Tuyên tổ chức Đại hội Văn học nghệ thuật vào giữa năm 1986, nhà văn Nguyên Ngọc là khách mời và được mời đọc bài thơ "Gửi em" rồi nhận xét "[bài thơ] rất bình thường và không hề có màu sắc chính trị nào trong đó cả."[35]

Ông được miễn truy tố sau đó và bị xử phạt hạ một bậc lương. Giám đốc cơ quan yêu cầu thừa nhận "viết bài thơ này [Gửi em] với mục đích làm phản", ông thẳng thừng từ chối và khẳng định "chỉ nói những điều tôi trông thấy từ thực tế". Ông bị ép chuyển công tác đến hợp tác xã mua bán của thị xã, sau đó thăng chức cửa hàng trưởng. Ông nghỉ hưu mất sức do hậu chấn tâm lý vào năm 1992, sau đó bị tai biến mạch máu não và mất năm 1997, ông trăng trối "kẻ tham ô, có tội sẽ bị trừng trị chứ không thể nhởn nhơ mãi được". Mười sáu năm sau kể từ khi bài thơ "Gửi em" ra đời, giám đốc bị nhắc trong bài thơ lĩnh án 16 năm tù với tội danh tham ô, những người biết chuyện nói "đó là cái giá phải trả với kẻ đã gây ra sóng gió". Con gái lớn của ông làm tại Chi cục Thuế thị xã Tuyên Quang từ năm 1996, con gái thứ hai tốt nghiệp tại chức Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, con trai út làm tại Vị Xuyên thuộc Hà Giang, người vợ làm ở cơ quan cũ và cấp trên là nữ đồng nghiệp cũ của chồng.[36] Phó giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Tuyên Quang Phạm Ngọc Tuấn phân trần "đó là nỗi đau, uất ức của một người có tâm hồn trong sáng". Lê Minh Hùng—làm tại Kho bạc Nhà nước Tuyên Quang hiện tại— tiếp lời "đây là việc cần làm ngay và làm nhanh bởi vì đây là lúc đất nước ta đang nhìn lại thành tựu của 20 năm đổi mới". Nguyễn Thế Hồ—từng làm tại Sở Giao thông Vận tải Tuyên Quang—cho rằng điều này "không chỉ an ủi người đã khuất mà giúp ích cho chính người đang sống".[35]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Mùa xuân nhớ Bác http://nguoilambao.vn/upload_images/files/Tap-chi-... https://web.archive.org/web/20131011004605/https:/... https://web.archive.org/web/20160502084249/https:/... https://web.archive.org/web/20160908032949/https:/... https://web.archive.org/web/20170816164600/https:/... https://web.archive.org/web/20200703204137/https:/... https://web.archive.org/web/20200704141220/https:/... https://web.archive.org/web/20200716014541/https:/... https://web.archive.org/web/20200716015142/https:/... https://web.archive.org/web/20200716015334/https:/...